Tôi là một người vô cùng tệ hại, cực kỳ tệ hại…

Bài viết được chia sẻ trên facebook thầy Thuận Thiên :

Dài lắm, không nên đọc. 🙂🙂🙂
Tôi là một người vô cùng tệ hại, cực kỳ tệ hại. Xin đừng đố kỵ tôi. Chia sẻ đến các bạn để… đỡ phải mệt đầu hơn khi phải đối phó với những chú quạ đen hoặc những chú rắn đố kỵ.
……
……

“Đừng Tỏ Ra Quá Hoàn Hảo

Tỏ ra giỏi giang hơn người là một điều nguy hiểm, nhưng nguy hiểm nhất là chứng tỏ mình không có lỗi lầm hay nhược điểm. Sự đố kỵ sẽ sinh ra kẻ thù thầm lặng.

Biết khôn, bạn nên thỉnh thoảng giả vờ phạm lỗi hoặc thú nhận một vài thói xấu ai cũng mắc phải, như thế để người khác không đố kỵ, và bạn sẽ có vẻ phàm phu hơn, dễ gần gũi hơn.

Chỉ có thần thánh và người chết mới có vẻ hoàn hảo mà không bị trừng phạt.

*******************************************************

Câu Chuyện Ẩn Dụ

con người luôn có sai lầm

Joe Orton gặp Kenneth Halliwell tại Học viện Hoàng gia Kịch nghệ London năm 1953, khi họ cùng đăng ký theo học. Họ nhanh chóng trở thành tình nhân và dọn về ở chung.

Năm đó Halliwell 25 tuổi, lớn hơn Orton bảy tuổi và cũng tự tin hơn. Nhưng vì cả hai đều không có tài diễn xuất, nên sau khi tốt nghiệp, họ quyết bỏ nghề diễn và cộng tác với nhau để viết văn.

Gia tài do Halliwell thừa hưởng có thể đủ cho hai người sống một vài năm mà không phải vất vả tìm việc, và trong giai đoạn đầu, anh ta là đầu tàu cho các truyện ngắn và tiểu thuyết.

Halliwell đọc, Orton đánh máy, thỉnh thoảng thêm thắt vào vài dòng ý tưởng. Những nỗ lực ban đầu của họ cũng thu hút được vài đại lý văn học, nhưng không được lâu.

Cuối cùng gia sản cũng cạn kiệt và cả hai cùng phải đi tìm việc. Họ cộng tác ít hồ hởi, ít thường xuyên hơn. Tương lai thật ảm đạm.

Năm 1957 Orton bắt đầu viết riêng, nhưng phải mất 5 năm nữa thì anh ta mới có tiếng nói. Lúc đó cả hai chàng đều vừa ngồi tù sáu tháng về tội bôi bẩn một số sách trong cửa hàng.

Ra tù, Orton quyết sáng tác kịch biếm để tỏ rõ sự khinh miệt đối với xã hội Anh Quốc. Nhưng lúc ấy hai người đổi vai nhau: Orton sáng tác và Halliwell thêm mắm muối.

Giữa thập niên 1960 Joe Orton bắt đầu thành công rực rỡ. Đơn đặt hàng từ mọi phía đổ về, kể cả từ nhóm Beatles.

Mọi thứ đều có vẻ đi lên, chỉ trừ quan hệ giữa hai người. Tuy vẫn sống chung, nhưng trong khi Orton thành công thì Halliwell lại tuột dốc.

Nhìn tình nhân trở thành tâm điểm chú ý, anh ta cảm thấy tủi thân khi chỉ là trợ lý riêng cho nhà biên kịch. Vai trò đồng cộng tác ngày nào giờ đây càng nhỏ nhoi dần.

Vào thập niên trước, anh ta dùng tiền thừa kế để nuôi Orton, còn bây giờ thì Orton nuôi lại anh ta. Ở những bữa tiệc hoặc gặp gỡ bạn bè, mọi người tự nhiên vây quanh Orton vì chàng ta đẹp trai, duyên dáng và hầu như luôn sôi nổi. Trái lại Halliwell lại hói và vụng về, hơn nữa sự co cụm của anh ta làm mọi người xa lánh.

Orton càng thành công thì vấn đề giữa hai người càng trầm trọng. Thái độ của Halliwell khiến cuộc sống chung trở thành không thể. Orton cho biết muốn chia tay, và tuy có nhiều mối tình khác song cuối cùng vẫn trở về với người bạn và người tình cũ.

Anh ta rán giúp Halliwell khởi một sự nghiệp mới, làm họa sĩ, thậm chí thương lượng với một triển lãm để trưng bày tranh của Halliwell. Nhưng cuộc trưng bày thất bại và như thế lại càng làm cho Halliwell thêm tự ti.

Năm 1967, chỉ vài ngày sau khi giúp Orton hoàn chỉnh kiệt tác What the Butler Saw, Halliwell dùng búa đập vào đầu Orton cho đến chết, sau đó uống 21 viên thuốc ngủ tự tử.

*******************************************************

Diễn giải

thất bại là tất yêu để hoàn thiện bản thân


Mặc dù Halliwell muốn mọi người tin rằng sự suy sụp tinh thần kia là do bệnh tâm thần, nhưng qua những ghi chép để lại của hai người thì chính sự ganh tỵ thuần túy và đơn giản mới là tác nhân chính. Nhật ký của hai người cho thấy rõ điều đó.

Orton càng thành công thì Halliwell càng cay đắng. Cuối cùng có lẽ điều mà Halliwell muốn nhất chính là sự thất bại của Orton, sao cho hai người đồng cam cộng khổ như hồi những ngày xưa thân ái.

Khi sự thật trái ngược hẳn – Orton lại càng thành công và được lòng công chúng – Halliwell thực hiện điều duy nhất có thể là làm cho cả hai ngang bằng như cũ.

Joe Orton chỉ hiểu được một phần sự suy sụp của người bạn tình. Việc anh ta giúp bạn khởi nghiệp họa sĩ được Halliwell ghi nhận như là hành động từ thiện để khỏa lấp sự cắn rứt.

Về cơ bản Orton có hai giải pháp cho vấn đề.
Hoặc hạ bớt mức độ thành công của mình, cố tình phạm phải vài lỗi, làm lệch hướng cơn ghen tỵ của Halliwell.

Hoặc giả nếu đánh giá đúng thực chất vấn đề, Orton phải lánh xa, như thể Halliwell là con rắn độc. Mà thực tế Halliwell là con rắn độc của lòng đố kỵ.

Một khi tính xấu này đã nhiễm vào người nào đó thì bất kỳ những gì ta làm đều khiến người ấy thêm đố kỵ, mỗi ngày mưng mủ thêm. Cuối cùng người ganh tỵ cũng sẽ ra tay.

Chỉ một thiểu số mới thành công trong ván cờ của cuộc đời, và nhất thiết thiểu số ấy sẽ làm cho người khác ganh tỵ. Một khi ta đã thành công thì thành phần đáng sợ nhất là những người ở gần ta nhất, những bạn bè và người quen mà ta vừa vượt qua.

Cảm giác tự ti gặm nhấm họ, càng nghĩ đến thành công của ta, họ càng cảm thấy mình bế tắc. Sự ganh tỵ mà triết gia Kierkegaard gọi là “lòng thán phục bất hạnh” sẽ bám chặt.

Có thể ta không trông thấy nó, nhưng một ngày nào đó ta sẽ nếm mùi – trừ khi ta biết cách đánh lạc hướng bằng những hy sinh, “vật tế” nho nhỏ cho những vị thần của thành công.

Hoặc là thỉnh thoảng ta tiết chế bớt những thành công, cố tình để lộ ra một hỏng hóc, nhược điểm hoặc lo âu, hay là bảo rằng mình thành công chỉ vì nhờ may mắn.

Hoặc đơn giản là nên tìm bạn khác mà chơi.
Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lòng ganh tị.”